Liên hệ
1. Mất ngủ là gì?
Chứng mất ngủ Đông y gọi là thất miên. Mất ngủ là trạng thái rối loạn giấc ngủ, biểu hiện ban đêm khó ngủ, hoặc không ngủ được.
Mất ngủ đầu giấc là khó vào giấc ngủ, nằm trằn trọc lâu rồi mới ngủ, quá nửa đêm về sáng mới ngủ được.
Mất ngủ vào giữa giấc là ngủ mà dễ giật mình, thức giấc và không ngủ lại được, giấc ngủ nông, không sâu.
Mất ngủ vào cuối giấc ngủ là người bệnh dậy quá sớm và không ngủ lại được.
Nặng nhất là mất ngủ trắng đêm, nằm trằn trọc không ngủ được cả đêm.
Mất ngủ thường có kèm có các chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, hay quên, hồi hộp, căng thẳng, dễ cáu gắt…
Gặp thời tiết nóng lạnh bất thường, ăn uống các chất gây hưng phấn như chè đặc, cà phê… hoặc gặp chuyện kích thích tinh thần dẫn đến ngẫu nhiên mất ngủ thì không thuộc trạng thái bệnh lý. Nếu do đau nhức, suyễn khái, ngứa ngáy dẫn đến không ngủ được cũng không thuộc phạm vi thảo luận ở bài này.
Về mặt Tây y, chứng Thất miên -Bất mị (mất ngủ) thường gặp trong bệnh thiểu năng tuần hoàn não, tăng huyết áp, suy nhược thần kinh, hậu COVID-19, stress…
Ở đây chỉ bàn đến chứng mất ngủ là tâm tỳ đều hư.
2. Nguyên nhân gây mất ngủ
Do lo lắng, suy nghĩ, mệt nhọc quá độ làm tổn thương tâm tỳ dẫn đến khí huyết hư suy, huyết không dưỡng được tâm, thần không nơi trú ngụ gây nên mất ngủ, hồi hộp không yên.
Tỳ hư không sinh được huyết, huyết càng hư thêm và khó hồi phục làm cho tâm tiếp tục không an mà gây mất ngủ kéo dài.
Sách Loại Chứng Trị Tài viết: "Tư lự hại Tỳ, Tỳ huyết khuy tổn quanh năm không ngủ được".
Trương Cảnh Nhạc cho rằng: "Ngủ là gốc ở phần âm do thần làm chủ, thần không yên thì không ngủ được. Do đó mệt nhọc, suy nghĩ quá độ làm cho Tâm huyết hao tổn, thần không chế được Tâm nên không yên nghỉ được".
3. Chứng trạng và phép trị
Mất ngủ, không ngủ, hay mê, hồi hộp, lo lắng, hay quên.
Mệt mỏi, ăn kém, đại tiện lỏng nhão, thiểu khí, đoản hơi, tay chân vô lực.
Sắc mặt nhạt, sắc môi nhạt.
Lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng.
Mạch tế nhược.
Phép trị: Kiện tỳ ích khí, dưỡng tâm an thần.
4. Phương dược
Dùng bài Quy tỳ thang (Tế sinh phương).
Thành phần: Nhân sâm 12g, bạch truật 16g, phục linh 16g, toan táo nhân 5g, long nhãn nhục 12g, hoàng kỳ 12g, đương quy 16g, viễn chí 5g, cam thảo 5g, mộc hương 8g, đại táo 12g, can sinh khương 3g.
Theo Tế sinh phương: Bài thuốc này dùng cho những người hư yếu, thể lực bị giảm sút, sắc mặt kém, thiếu máu, tinh thần bất an, đánh trống ngực dồn dập, hay quên, đêm ít ngủ, chỉ lo nghĩ vẩn vơ, stress, hoặc bị sốt, đổ mồ hôi trộm. Hoặc trái lại, ngủ li bì, chân tay mệt mỏi, đại tiện có chiều hướng khó. Ở phụ nữ thì kinh nguyệt thất thường.
Bài thuốc này cũng dùng cho những người hay lo nghĩ nhiều, hoặc bị thiếu máu, thổ huyết và xuất huyết. Vì vốn dĩ đây là bài thuốc dùng cho những người thể chất hư nhược, vị tràng yếu bị các loại xuất huyết dẫn đến thiếu máu, hay quên và các chứng thần kinh do lao lực lao tâm quá nhiều.
Theo Chẩn liệu y điển: Dùng trong các trường hợp xuất huyết, như chảy máu ruột, chảy máu tử cung, loét dạ dày, đái ra máu...
Ngoài ra, bài thuốc này còn được ứng dụng trong các trường hợp thiếu máu, hay quên, mất ngủ, đánh trống ngực dồn dập do thần kinh, ǎn uống không ngon miệng, kinh nguyệt thất thường, hysteria, thần kinh suy nhược, stress, di tinh, lậu mạn tính, tràng nhạc mưng loét…
Bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh COVID-19 sau khi khỏi bệnh mà bị mất ngủ nên đến khám và tư vấn dùng thuốc bởi bác sĩ đông y, tránh tự ý dùng thuốc, lợi bất cập hại.
Song song với việc dùng thuốc, người bệnh COVID-19 sau khi khỏi bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập luyện thể chất đều đặn, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh lo nghĩ, căng thẳng.