HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TRẺ TIÊU CHẢY TẠI NHÀ

Liên hệ


Số khách hàng đang xem: 169
Số lượng sản phẩm đã bán:

Mô tả sản phẩm

HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TRẺ TIÊU CHẢY TẠI NHÀ

Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài nhiều hơn 3 lần trong ngày và phân của trẻ có nhiều nước. Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy là do thức ăn không đảm bảo vệ sinh (do nguồn gốc, quá trình bảo quản, chế biến, do tay, chân người chăm sóc trẻ, tay chân trẻ chưa đảm bảo vệ sinh, do lây bệnh).

1. Các triệu chứng tiêu chảy của trẻ

  • Trẻ sẽ xuất hiện chán ăn, buồn nôn, nôn sau khi ăn, đau bụng, quấy khóc, sau đó sẽ xuất hiện đi ngoài phân lỏng tăng dần về số lần và số lượng. Phân của trẻ nhiều nước, mùi tanh, chua, thối khẳn có thể có nhầy hoặc máu. Trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5, số lần đi ngoài có thể lên đến 10 – 20 lần/ngày. Bụng trẻ có thể chướng. Trẻ có thể sốt cao, co giật, lồng ruột.
  • Dấu hiệu mất nước do trẻ nôn và đi ngoài nhiều lần có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng trong thời gian ngắn. Các biểu hiện khi thấy trẻ thiếu nước mà bố mẹ cần biết là: trẻ quấy hơn, đòi uống nước (trẻ nhỏ cho uống nước thấy trẻ đỡ quấy), đi tiểu ít, nước tiểu vàng đậm. Khi thấy mắt trẻ trũng, môi khô, khóc không có nước mắt là trẻ đã mất nước nhiều phải đưa đến trung tâm y tế khám ngay.
  • Đối với những trẻ chưa có dấu hiệu mất nước, ăn được, uống được sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn đơn về nhà điều trị. Cha mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ tiêu chảy đúng phương pháp ngay từ sớm để mang lại hiệu quả điều trị tốt tránh biến chứng nặng cho trẻ.

2. Những nguyên tắc cơ bản trong chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà

Những trẻ được kê đơn về nhà điều trị phải tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ:

2.1. Bù nước và điện giải sớm và đủ cho trẻ:

  • Đây là nguyên tắc quan trọng nhất Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nếu trẻ còn đang bú mẹ thì mẹ sẽ cho trẻ bú bất kể khi nào trẻ có nhu cầu (sữa mẹ cũng cung cấp hàm lượng nước và điện giải đáng kể). Trẻ lớn hơn (trên 6 tháng đến 5 tuổi) có thể cho uống một trong các loại như nước súp, nước cháo muối, nước gạo rang, nước dừa...hoặc dung dịch Oresol.
  • Tốt nhất là sử dụng dung dịch Oresol áp lực thẩm thấu thấp (dễ mua và dễ sử dụng, đảm bảo đủ nước, năng lượng và điện giải cần thiết). Lưu ý cách sử dụng Oresol đúng: Pha Oresol phải pha cả gói 1 lần với lượng nước sôi nguội được đong chính xác theo quy định cho mỗi gói (không được chia nhỏ gói để pha nhiều lần). Dung dịch Oresol đã pha không được để quá 24 giờ, không để trong tủ lạnh cho trẻ uống dần, không đun sôi.
  • Đối với trẻ < 24 tháng: cho trẻ uống 50 – 100ml Oresol sau mỗi lần trẻ nôn hay đi ngoài, cho uống từng thìa nhỏ liên tục, nếu trẻ nôn thì nghỉ 1 – 2 phút rồi lại cho uống tiếp; khi uống, lưu ý cho trẻ nghiêng đầu tránh sặc.
  • Trẻ > 24 tháng: uống 100 – 200ml sau mỗi lần nôn hay đi ngoài, uống từng ngụm nhỏ. Trẻ lớn uống từng ngụm nhỏ, uống theo nhu cầu.
  • Không dùng thuốc chống nôn và không dùng kháng sinh khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.

2.2. Chế độ ăn:

  • Việc chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp hay mạn tính cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu trẻ đang bú mẹ thì mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú thường xuyên hơn. Mẹ nên bổ sung chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày giúp sữa có giá trị dinh dưỡng tốt nhất. Còn với trẻ ăn dặm thì cha mẹ có thể cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, lỏng, giàu dinh dưỡng dễ hấp thu giúp trẻ tiêu hoá dễ dàng.
  • Cha mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ với liều lượng từ 10 đến 20mg mỗi ngày hoặc có thể bổ sung thêm một số thực phẩm giàu kẽm vào bữa ăn.

2.3. Giữ vệ sinh cho trẻ:

Người chăm sóc trẻ phải vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc với chất thải của trẻ (chất nôn, phân) bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn tay nhanh. 

Dụng cụ, đồ dùng của trẻ được rửa sạch sẽ. Bỉm và chất nôn phải được xử lý hợp vệ sinh, tránh gây tái nhiễm hay lây lan mầm bệnh cho người chăm sóc.

2.4. Cha mẹ cần theo dõi diễn biến bệnh của trẻ để có phương án xử lý kịp thời. Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau đây phải đưa đến cơ sở y tế khám ngay:

  • Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi
  • Trẻ sinh non, trẻ có bệnh mạn tính hoặc đang bị mắc nhiều bệnh cùng lúc như viêm phổi, viêm tai giữa cấp...
  • Trẻ > 3 tháng có sốt > 39°C
  • Trẻ không ăn uống được gì
  • Nôn nhiều (nôn ≥ 3 lần/1 giờ, nôn ≥ 4 lần/6 giờ)
  • Trẻ tiêu chảy nhiều hơn, quấy hoặc mệt lừ đừ, li bì.
  • Trẻ mất nước nhiều hơn: quấy hơn, khát hơn, uống háo hức, mắt trũng, khóc không có nước mắt, đi tiểu rất ít, nước tiểu vàng đậm.
  • Trẻ đi ngoài phân có máu
  • Bụng chướng hoặc co giật
  • Nhà xa cơ sở y tế, cha mẹ chăm sóc kém

3. Cách phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ em

  • Nuôi con bằng sữa mẹ: Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, không cho ăn dặm quá sớm.
  • Cho trẻ ăn dặm khi trẻ 6 tháng, ăn đa dạng, đủ chất, đủ lượng. Chế biến, bảo quản thức ăn hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm.
  • Đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch. Rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay nhanh trước khi làm thức ăn, trước và sau khi chăm sóc trẻ. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, xử lý an toàn phân trẻ bị tiêu chảy.
  • Tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho trẻ đặc biệt là các loại vắc xin ngừa virus Rota; Sởi; Thương hàn; Tả...

CHAT ZALO
GỌI ĐIỆN NGAY